Hàng hóa di chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ người sản xuất đến người tiêu dung luôn luôn đối diện với nguy cơ tổn thất và nhiều rủi ro khác nhau. Đặc biệt khi có rủi ro, tổn thất… rất dễ xảy ra những tranh chấp giữa các bên liên quan. Để giải quyết những tranh chấp này, người ta dựa vào “Điều khoản thương mại quốc tế”, các quy định, các văn bản liên quan đến hàng hóa. Trong đó có kết quả của hoạt động giám định.
1. Khái niệm về Giám định
Theo Luật Thương mại (ban hành ngày 14/06/2005), Giám định Thương mại được hiểu như sau: “Giám định là hoạt động thương mại, thực hiện việc xác định tình trạng thực tế hàng hóa, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng”.
Theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (ban hành ngày 05/12/2007): “Giám định là việc xem xét sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa so với hợp đồng hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bằng cách quan trắc và đánh giá kết quả đo, thử nghiệm”.
Theo ISO 17020 “Giám định là kiểm tra một sản phẩm, quá trình, dịch vụ hay lắp đặt, hoặc thiết kế của chúng và xác định sự phù hợp của chúng với các yêu cầu cụ thể hoặc với các yêu cầu chung trên cơ sở đánh giá sự chuyên nghiệp”.
Với sự tăng trưởng của thương mại thế giới và thuận lợi hoá thương mại – cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ sản xuất và phân phối mới – đã hình thành hàng trăm tổ chức giám định quốc gia và đa quốc gia của bên thứ ba.
Các tổ chức giám định kiểm tra một phạm vi rộng lớn các sản phẩm, nguyên liệu, quá trình, quy trình làm việc, dịch vụ trong lĩnh vực tư cũng như công; mục đích chung là nhằm giảm rủi ro cho người mua, người sở hữu, người sử dụng hoặc người tiêu dùng của những đối tượng đã được giám định.
Các yêu cầu chung để vận hành các dạng tổ chức giám định khác nhau được nêu trong tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020 Tiêu chí chung về hoạt động của các tổ chức tiến hành giám định.
2. Các loại hình dịch vụ giám định.
Giám định có nhiều loại hình dịch vụ:
– Giám định mọi loại hàng hóa về: quy cách, phẩm chất, tình trạng, số/khối lượng, chủng loại, bao bì, ký/mã hiệu, tổn thất, xuất xứ, độ an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh.
– Lấy mẫu, phân tích/ thử nghiệm mẫu về hóa, lý…
– Giám định phương tiện vận chuyển, thiết bị chứa đựng, kho tàng…
– Giám định phục vụ Hải quan, bảo hiểm, môi trường, quản lý thị trường, quản lý chất lượng hàng hóa, điều tra, trọng tài…
– Giám sát hang khi giao nhận, vận chuyển, xếp dỡ, lắp ráp…
– Kiểm tra các thiết bị đo lường, niêm phong hàng hóa, giám định hợp chuẩn…
– Các dịch vụ liên quan: Khử trùng, thẩm định giá, tư vấn và nhiều loại hình dịch vụ liên quan khác.